
Chùa Bối Khê bị trộm đột nhập ngày 13-3 lấy đi một bức tượng Phật Thích Ca đản sinh bằng đồng màu đen – Ảnh Hồ Hạ
Ngày 16-3, đình Đại Định (thôn Đại Định, xã Tam Hưng) bị kẻ gian cắt khóa, phá cửa đột nhập lấy đi hai bộ chấp kích gồm 16 chiếc đặt hai bên gian Đại bái cùng 2 đỉnh đồng, 2 cây nến đồng và 1 bình sứ cổ.
Ngày 29-3, tại chùa Dư Dự (xã Thanh Thủy), kẻ gian cắt khóa lấy trộm 1 chuông đồng, 2 bát hương (đặt tại Tam bảo)
Đến ngày 11-4, kẻ gian tiếp tục đột nhập vào chùa Từ Châu (xã Liên Châu) lấy trộm 1 chuông đồng có chiều cao 1m, đường kính 0,6m.
UBND huyện Thanh Oai cho biết đã chỉ đạo UBND xã Tam Hưng, Thanh Thủy, Liên Châu tiến hành xác minh, lấy lời khai của người trình báo, người có liên quan, rà soát đối tượng khả nghi trên địa bàn, lập hồ sơ trình báo Công an huyện.
Tại văn bản số 73/BC-VHTT ngày 20-4 của Phòng VHTT huyện Thanh Oai gửi các cơ quan liên quan, đã đề xuất UBND huyện Thanh Oai chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các di tích trên địa bàn. Đề nghị UBND, Ban Quản lý di tích các xã có biện pháp bảo vệ hiện vật, cổ vật, đồ thờ tự tại các di tích.
Trước đó, chiều 20-4, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động cũng đã ký văn bản số 956 gửi UBND huyện Thanh Oai yêu cầu báo cáo về việc mất cắp di vật, hiện vật tại các di tích trên địa bàn. Đồng thời kiểm tra, có biện pháp xử lý kịp thời, rà soát công tác trông coi, bảo vệ, bảo quản tại các di tích, tránh để xảy ra tình trạng đáng tiếc nói trên.
Trong số 4 đình, chùa vừa bị trộm đột nhập, nổi tiếng nhất phải kể đến là chùa Bối Khê. Chùa được xây dựng vào năm 1338, thời nhà Trần tại thôn Bối Khê. Trong chùa có thờ Đức Thánh Bối tức vị tướng công Nguyễn Đình An là người địa phương đã có công đánh bại quân xâm lược phương Bắc.

Không chỉ có giá trị về lịch sử, chùa Bối Khê còn có giá trị đặc biệt về kiến trúc và hệ thống tượng Phật, đồ thờ tự độc đáo – Ảnh: Hồ Hạ
Tòa tam bảo còn gọi là Thượng điện, thờ Phật, Pháp, Tăng, cấu tạo theo 4 hàng cột, mỗi hàng 4 chiếc, riêng thềm điện có 6 cột đỡ mái, chia thành 7 gian. Hai vì kèo giữa mang đậm phong cách nghệ thuật thời Trần. Các đầu bảy đỡ mái phía ngoài được chạm khắc hình rồng, đầu bảy góc trái phía ngoài chạm hình chim thần Garuda.
Quỳnh Vân (An ninh Thủ đô)