Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Khác
    HomeTin TứcSự KiệnĐà Nẵng: Toạ đàm Khoa học “Truyền thống Văn hoá Phật giáo...

    Đà Nẵng: Toạ đàm Khoa học “Truyền thống Văn hoá Phật giáo Việt Nam- Hàn Quốc”

    Sáng nay, ngày 23/ 03/ 2019 ( nhằm ngày 18 tháng 2 năm Kỷ hơi). Nhân ngày lễ hội Tại chùa Quan Âm TP Đà Nẵng, Ban Văn hoá TƯ GHPGVN phối hợp cùng Ban PG Quốc tế long trọng tổ chức buổi Toạ đàm Khoa học “Truyền thống Văn hoá Phật giáo Việt Nam- Hàn Quốc”.

    Chứng minh tham dự buổi toạ đàm có: HT Thích Như Thọ, TV HĐCM TƯ GHPGVN, Chứng minh Đạo sư BTS GHPGVN TP Đà Nẵng; HT Thích Huệ Thường, TV HĐCM TƯGHPGVN, Chứng minh Đạo sư BTS GHPGVN TP Đà Nẵng; HT Thích Quang Nhuận- UV HĐTS, Phó trưởng Ban VHTƯ GHPGVN; TT. TS Thích Đức Thiện- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban PG Quốc tế; TT Thích Thọ Lạc- UV Thư ký HĐTS, Trưởng Ban Văn hoá TƯ GHPGVN; HT Thích Hải Ấn- UVTT HĐTS, Phó Ban TT Ban Văn hoá TƯ GHPGVN; HT. TS Thích Bửu Chánh- UV HĐTS, Phó Ban TT Ban Văn hoá TƯ GHPGVN; TT Thích Trí Chơn- UV HĐTS, Phó Ban Văn hoá TƯ GHPGVN; TT Thích Huệ Vinh- UVTT  Ban VHTƯ, Phó BTS kiêm Trưởng Ban VHPG TP Đà Nẵng; TT Thích Giác Hoàng- UV HĐTS, phó Trưởng Ban Văn hoá TƯ GHPGVN ; ĐĐ Thích Minh Đăng- Chánh Thư ký Ban VHTƯ GHPGVN; Phía Phật giáo Hàn Quốc có: HT IL Gam- Phó Vụ trưởng Tông Tào Khê (Hàn Quốc); Sư cô Thích Nữ Giới Tánh- Chủ tịch Hội Phật tử VN tại Hàn Quốc, UV Ban PG Quốc tế TƯ GHPGVN; cùng chư tôn Thiền đức Tăng-ni tham dự toạ đàm.

    Phía quan khách có ông: ông Ngô Khôi- Phó GĐ Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo TP Đà Nẵng; GS.TS Đặng Văn Bài- UV Hội đồng Di sản VHQG; PGS.TS Nguyễn Hồng Dương- Nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo; PGS. TS Chu Văn Tuấn- Viện Trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo; Kiến trúc sư Lê Thành Vinh- Nguyên Viện trưởng Viện bảo tồn di tích QG; GS.TS. Trương Quốc Bình – UV Hội đồng di sản VHQG; PGS.TS. Ngô Văn Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á; ông Trần Kỳ Phương- Chuyên gia nghiên cứu VH Champa; Ths Nguyễn Thị Thu Hoan- Bảo tàng LSQG; cùng chư Tôn đức thành viên Ban VHTƯ; quý vị Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà nghiên cứu học giả đồng tham gia buổi tạo đàm.

    Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia sớm đón nhận Phật giáo. Phật giáo khi truyền bá vào hai quốc gia đều góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của từng quốc gia. Vì vậy, văn hóa mỗi nước đều mang những giá trị chung: Văn hóa Phật giáo. Song với phương châm “Khế lý, khế cơ”, “Tùy duyên phương tiện”, khi truyền bá vào mỗi quốc gia, Văn hóa Phật giáo mỗi nước lại có những nét đặc thù riêng về kiến trúc, thi ca, đời sống đạo.

    - Advertisement -

    Sau ngày đất nước Việt Nam thống nhất, đến ngày 22/12/1992, Việt Nam và Hàn Quốc chính thức đặt quan hệ ngoại giao. Năm 2001, hai nước chính thức quan hệ đối tác toàn diện. Năm 2009, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ký hiệp ước Đối tác hợp tác chiến lược.

    Tài liệu từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, vào thời điểm tháng 06/2013, tại Hàn Quốc có 5.000 du học sinh Việt Nam học tập, 68.000 lao động và 50.000 phụ nữ VIệt Nam kết hôn ở Hàn Quốc. Hiện mỗi nước có 100.000 công dân sinh sống và lao động.

    Trong số du học sinh, người lao động và phụ nữ kết hôn của Việt Nam hoặc là tín đồ hoặc có cảm tính với Phật giáo. Song, do những điều kiện khác nhau, không ít người trong số họ hiểu biết về truyền thống văn hóa Phật giáo Việt – Hàn còn hết sức hạn chế. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân hai nước.

    Thượng toạ  Thích Huệ Vinh, Phát biểu chào mừng hội nghị- “Phật giáo Việt- Hàn gặp nhau như chưa từng hẹn ước”

    Thượng toạ IL Gam phát biểu chúc mừng

    ông Ngô Khôi- Phó GĐ Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo thay mặt Chính quyền phát biểu chào mừng Hội nghị

    Thượng toạ  Thích Thọ Lạc- Phát biểu đề dẫn buổi toạ đàm

    Phật giáo được ra đời từ Ấn Độ, vào thế kỷ VI trước Công nguyên và phát triển, lan tỏa nhiều nơi trên thế giới với 2 Tông phái chính là Nam truyền (Hinayana hay Theravada) và Bắc truyền (Mahayana). Khi du nhập vào mỗi quốc gia, dân tộc, với tính chất dung hòa, Phật giáo đã nhanh chóng phù hợp với tín ngưỡng bản địa, phong tục tập quán, điều kiện, môi trường sống để tạo nên những nét riêng của Phật giáo của mỗi quốc gia, dân tộc.

    Cách ngày nay khoảng 2000 năm, Phật giáo được du nhập vào Việt Nam bằng hai con đường (đường bộ và đường biển). Trong đó, bằng đường biển, Phật giáo được truyền trực tiếp từ Ấn Độ vào nước ta thông qua hải thương. Trên đất nước ta, các hoạt động truyền giáo của các tăng sĩ Phật giáo Ấn Độ phát triển mạnh mẽ đã hình thành những trung tâm Phật giáo lớn như: Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), Đồng Dương (Thăng Bình, Quảng Nam). Đây là những trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa ở Việt Nam, trong đó Trung tâm Phật giáo Đồng Dương (thế kỷ 9 – 10) được đánh giá là 1 trong 3 trung tâm Phật giáo lớn nhất khu vực Đông Nam Á đương thời (đó là trung tâm Phật giáo Borobudur ở Indonesia và trung tâm Phật giáo Nakhon Pathon ở Thái Lan).

    Ngay từ khi du nhập, Phật giáo đã có một sự dung hợp kỳ diệu với các tôn giáo, tín ngưỡng bản địa của từng vùng tạo nên nền văn hóa Phật giáo Việt Nam “thống nhất trong đa dạng” với những sắc thái văn hóa Phật giáo phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc và được thể hiện qua: tư tưởng, tổ chức, hoạt động tu tập, ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản…

    Với triết lý đạo đức, nhân sinh sâu sắc và tính chất từ bi, hỉ xả, bao dung, độ lượng, phù hợp với tâm tính người Việt Nam, Phật giáo đã được cư dân Việt tiếp thu một cách tự nhiên để rồi cùng với thời gian, Phật giáo đã ăn sâu vào trong tâm thức, phát triển lan tỏa trong đời sống người Việt Nam và dần trở thành tôn giáo dân tộc, tôn giáo bản địa, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.

    Trong xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Phật giáo Việt Nam  cũng như các quốc gia, vũng lãnh thổ càng tăng cường giao lưu, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa Phật giáo thế giới để phát triển văn hóa Phật giáo tiến tiến, hiện đại mà vẫn giữ được nét truyền thống, bản sắc của mỗi quốc gia, dân tộc mà Tọa đàm ngày hôm nay là một trong những hoạt động cụ thể hướng tới mục tiêu đó.

    Trên cơ sở đó, Tọa đàm hôm nay sẽ tập trung vào những nội dung sau:

    1. Giới thiệu khái quát văn hóa Phật giáo Việt Nam: tư tưởng, tổ chức, hoạt động tiêu biểu… ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản VHPGVN
    2. Quan hệ quốc tế của Phật giáo Việt Nam và giao lưu văn hóa Phật giáo Việt Nam – Hàn Quốc
    3. Những kinh nghiệm, bài học và định hướng cơ bản để tăng cường vai trò của Phật giáo trong phát triển đất nước thời đại mới (thời đại toàn cầu hóa, giao lưu, hội nhập quốc tế).

    TT. TS Thích Đức Thiện, điều khiển buổi toạ đàm

    TS Đặng Văn Bài- với chủ đề ”Giao lưu văn hoá Phật giáo, một hình thức ngoại giao nhân dân phục vụ hội nhập và phát triển đất nước”.

    Lịch sử nhân loại khẳng định, giao lưu kinh tế và văn hóa có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng đối với vận mệnh của một đất nước. Việc thịnh hay suy của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào khả năng giao lưu và tiếp biến văn hóa cũng như khai thác tối ưu thế mạnh của mình về mặt địa – chính trị và địa – văn hóa hay còn gọi là địa chiến lược.

    Việt Nam là quốc gia biển với vị trí địa lý là trung tâm của vùng Đông Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, cho nên trong lịch sử, lãnh thổ nước ta có nhiều “vị trí đầu mối” với các con đường giao lưu kinh tế và văn hóa: Miền Bắc là xứ Giao Chỉ, miền Trung là xứ Champa cũ và miền Nam là xứ Phù Nam cũ. Đây là điều kiện tiên quyết tạo nên sự đa dạng văn hóa Việt Nam mà biểu hiện là sự cùng tồn tại của nhiều nền văn hóa, dạng thức văn hóa và nhiều cách biểu hiện văn hóa khác nhau ở một lãnh thổ quốc gia.

    TTTS Thích Bửu Chánh- “Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng”

    Phật giáo Việt Nam là một thể thống nhất trong đa dạng về mọi phương diện về các truyền thống Phật giáo, phương diện kiến trúc Phật giáo, phương diện kinh điển Phật giáo, ngôn ngữ Phật giáo (chữ Hán, chữ Pali, chữ Việt).

    Có thể nói, chỉ có Phật giáo Việt Nam mới có đặc điểm đặc thù này, dù là khác nhau về nhiều phương diện nhưng có chung một tổ chức lãnh đạo thống nhất từ cấp trung ương đến cấp cơ sở. Phật giáo Việt Nam là một bức tranh có nhiều sắc màu khác nhau./.

     

    KTS Lê Thành Vinh- “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng”

    Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, một bộ phận của văn hóa Phật giáo Việt Nam, hình thành và phát triển cùng với sự du nhập và phát triển Phật giáo tại Việt Nam. Mặc dù có những ảnh hưởng của kiến trúc Phật giáo từ bên ngoài như Ấn Độ, Trung Quốc… nhưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam đã sớm định hình với những đặc trưng và sắc thái riêng. Những đặc điểm của kiến trúc Phật giáo Việt Nam xuất phát từ cách sử dụng vật liệu, kỹ thuật tạo dựng cũng như phong cách, ngôn ngữ diễn đạt bắt nguồn từ những quan niệm, những tư tưởng của người Việt. Nếu như Phật giáo du nhập vào Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn với đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt, tạo ra Phật giáo Việt Nam, thì kiến trúc Phật giáo Việt Nam, với tư cách là thiết chế của sinh hoạt tôn giáo của người Việt cũng mang đậm dấu ấn riêng của mình, vừa mang tinh thần Phật giáo vừa mang tinh thần dân tộc Việt. Đó là tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha của Phật giáo, bao dung bởi tình thương và trí tuệ toàn thiện; là tinh thần cộng đồng, khiêm nhường, hòa hợp của người Việt, dân tộc bao đời nay gắn với nghề trồng lúa nước ở xứ sở nhiệt đới, gió mùa vùng Đông Nam Á.

    Hình thành và phát triển theo chiều dài lịch sử, những sản phẩm vật chất và tinh thần của Phật giáo Việt Nam trong đó có kiến trúc Phật giáo Việt Nam được sàng lọc, kết tinh thành những giá trị văn hóa đặc sắc, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi thế hệ lại có sứ mệnh của mình trong việc gìn giữ, kế thừa và bồi đắp, làm giàu thêm những đặc điểm, giá trị của nền văn hóa ấy. Chính vì vậy, nhận diện để bảo tồn và phát huy những giá trị của kiến trúc Phật giáo và định hướng phát triển kiến trúc Phật giáo đương đại và tương lai là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết./.

    PGS. TS Chu Văn Tuấn- “Phát huy giá trị của Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”

    Những giá trị của Phật giáo VN có rất nhiều nhưng theo chúng tôi nổi bật nhất là: giá trị nhập thế và giá trị khoan dung. Nhập thế, nói một cách khái quát tức là không chỉ quan tâm tới việc đạo, mà còn quan tâm đến việc đời, không thờ ơ với những vấn đề của cuộc sống, mà coi giải quyết những vấn đề của cuộc sống cũng chính là mục tiêu của đạo. Nhập thế tức là phải đi vào cuộc sống, phục vụ cuộc sống. Chính vì thế, nói đến Phật giáo Việt Nam là nói đến Phật giáo nhập thế. Điều này đã được khẳng định/thể hiện trong suốt chiều dài của lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khi du nhập cho đến tận bây giờ. Với tinh thần nhập thế, Phật giáo Việt Nam hiện nay đã và đang tham gia tích cực vào việc xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ công tác an sinh xã hội, từ thiện xã hội, bảo trợ xã hội…

    Tiếp đến, khoan dung cũng là một giá trị nổi bật của Phật giáo Việt Nam. Khoan dung chính là sự biểu hiện của tinh thần từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha của Phật giáo. Khoan dung thể hiện ở tinh thần không độc tôn, không kỳ thị, không phân biệt, mà ngược lại, luôn bao dung, độ lượng, luôn cởi mở, đối thoại, luôn sẵn sàng tiếp thu, học hỏi để cùng tồn tại, cùng phát triển. Giá trị khoan dung của Phật giáo Việt Nam thể hiện ở chỗ nhanh chóng thích nghi với văn hoá Việt Nam, dung hợp với tín ngưỡng, tôn giáo bản địa Việt Nam, cởi mở với các tôn giáo khác. Sự khoan dung của Phật giáo Việt Nam là một trong những yếu tố tạo nên môi trường hoà bình, không xung đột trong môi trường đa dạng tôn giáo của Việt Nam từ xưa đến nay…

    Chúng tôi mong rằng, trong Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 5/2019 tới đây, Phật giáo thế giới hãy phát huy giá trị của mình, cùng nhau giải quyết những vấn đề toàn cầu hiện nay, nhất là vấn đề xung đột, chiến tranh, các hình thái cực đoan chủ nghĩa… Một trong những giá trị mà Phật giáo cần phát huy trong bối cảnh hiện nay theo chúng tôi chính là tinh thần khoan dung./.

    PGS. TS Nguyễn Hồng Dương- “Vai trò của hoằng pháp trong quảng bá truyền thống văn hoá Phật giáo Việt Nam- Hàn Quốc”

    Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia sớm đón nhận Phật giáo. Phật giáo khi truyền bá vào hai quốc gia đều góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của từng quốc gia. Vì vậy, văn hóa mỗi nước đều mang những giá trị chung: Văn hóa Phật giáo. Song với phương châm “Khế lý, khế cơ”, “Tùy duyên phương tiện”, khi truyền bá vào mỗi quốc gia, Văn hóa Phật giáo mỗi nước lại có những nét đặc thù riêng về kiến trúc, thi ca, đời sống đạo.

    Sau ngày đất nước Việt Nam thống nhất, đến ngày 22/12/1992, VIệt Nam và Hàn Quốc chính thức đặt quan hệ ngoại giao. Năm 2001, hai nước chính thức quan hệ đối tác toàn diện. Năm 2009, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ký hiệp ước Đối tác hợp tác chiến lược.

    Tài liệu từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, vào thời điểm tháng 06/2013, tại Hàn Quốc có 5.000 du học sinh Việt Nam học tập, 68.000 lao động và 50.000 phụ nữ VIệt Nam kết hôn ở Hàn Quốc. Hiện mỗi nước có 100.000 công dân sinh sống và lao động.

    Trong số du học sinh, người lao động và phụ nữ kết hôn của Việt Nam hoặc là tín đồ hoặc có cảm tính với Phật giáo. Song, do những điều kiện khác nhau, không ít người trong số họ hiểu biết về truyền thống văn hóa Phật giáo Việt – Hàn còn hết sức hạn chế. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân hai nước.

    SC Thích Nữ Giới Tánh- “Dấu ấn Phật giáo Việt Nam trên đất Đại Hàn Dân Quốc”

    Năm 2019, đánh dấu 27 năm Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, 18 năm quan hệ đối tác toàn diện và 10 năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Đến nay, với sự nỗ lực chung, quan hệ Việt – Hàn đã phát triển nhanh, vững chắc, thực chất và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, hợp tác phát triển, văn hóa, giao lưu nhân dân, đặc biệt quan hệ Phật giáo hai nước đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ, đầy tiềm năng.

    Cùng với sự phát triển không ngừng của quan hệ hai nước, cộng đồng người Việt trên đất Hàn và cộng đồng người Hàn trên đất Việt đã hình thành và phát triển với khoảng gần 200.000 người đang sinh sống, làm ăn, học tập ở mỗi nước. Đối với người Việt Nam, trong lịch sử phát triển của mình, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo mà trước hết là Phật giáo luôn đồng hành, gắn liền với dân tộc. Vì vậy, trong nhiều năm qua, Phật giáo Việt Nam cũng đã hình thành và phát triển tại Hàn Quốc. Qúa trình hoạt động và phát triển không ngừng đó được đánh dấu bằng sự ra đời của Chùa Pháp Môn (Việt Nam Tự ) và đặc biệt là sự ra đời chính thức của Phật giáo Việt Nam tại xứ Hàn, mà đại diện là Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc. Trong nhiều năm qua, bằng sự nỗ lực vươn lên không ngừng, Hội Phật tử và bà con cộng đồng đã tạo nên những dấu ấn Phật giáo Việt Nam sâu sắc trên đất Hàn. Có thể điểm qua một số hoạt động nổi bật sau đây: (i) Hàng năm tổ chức Đại lễ Cầu an mừng Xuân mới cho cộng đồng Việt-Hàn, Đại lễ Cầu siêu tưởng niệm anh linh các anh hùng, liệt sỹ hy sinh vì chủ quyền biển đảo; (ii) Đại lễ Thành đạo – Lễ Hoa đăng Vía Phật A Di Đà – Đốt nến cầu nguyện hòa bình cho biển đảo quê hương; (iii) Tổ chức mời và đưa các Đoàn Phật giáo Hàn Quốc đến thăm Việt Nam, như: Đoàn đại biểu Phật giáo Hàn Quốc đến thăm Lớp Cao-Trung cấp Giảng Sư tại Chùa Hòa Khánh. Đoàn Phật giáo Hàn Quốc sang Hà Nội dự Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (tháng 11/2017), Đoàn sang thăm TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam và dự Đại lễ Phật đản (tháng 4/2018 tại TP. HCM, Đoàn sang thăm TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chúc Tết Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Thích Thiện Nhơn… (iv) Phối hợp với Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa”, Quỹ “Học bổng Vừ A Dính” của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tổ chức một số hoạt động kết nối cộng đồng, đấu giá tranh cát “Gạc Ma –v òng tròn bất tử” và xây dựng cụm bia Ghi công trên Đảo Phan Vinh. Ngoài ra, Hội còn thường xuyên thăm hỏi, chăm lo đời sống tinh thần các gia đình Việt – Hàn, động viên các gia đình con cháu học hỏi Tiếng Việt và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam…

    ĐĐ. TS Thích Thông Huệ- “Vài nhận định về sự tương đồng và khác biệt giữa Phật giáo Hàn Quốc và Phật giáo Việt Nam”

     

    Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Hàn Quốc có chung nguồn gốc và có chung tư tưởng Phật giáo đại thừa, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng Phật giáo đại thừa Trung Hoa. Thế nhưng, Phật giáo được truyền vào mỗi quốc gia lại chịu ảnh hưởng bởi các nền văn hóa, tập tục, tín ngưỡng cổ xưa nên đã tạo ra Phật giáo bản địa đặc trưng nhưng không rời xa chân lý giác ngộ giải thoát của Đức Phật.

    Khi xét ở góc độ vị trí địa lý, xã hội thì Việt Nam và Hàn Quốc là hai nước nhỏ, kề cận với Trung Quốc nên ở xã hội phong kiến đều chịu ảnh hưởng và tiếp nhận văn hóa, tôn giáo và chữ viết của Trung Hoa qua hai hình thái: giao lưu tiếp nhận và cưỡng ép.

    Tuy Phật giáo Việt Nam và Hàn Quốc đều chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Phật giáo Đại thừa Trung Hoa. Thế nhưng, Phật giáo mỗi nước đều phát triển vững mạnh và có đặc trưng riêng. Điều này phải chăng nhờ các bậc cao tăng thiền đức đã cảm hóa được vua chúa hộ trì và tin theo Phật pháp như: Thời Trần ở Việt Nam hay vương triều Cao Ly (Goryeo) ở Hàn Quốc. Đây là những thời kỳ Phật giáo hưng thịnh nhất của hai quốc gia Việt, Hàn. Vì thế, ở thời điểm này, chùa tháp được xây dựng nhiều, tăng ni và tín đồ theo đạo đông; kinh sách, pháp khí được khắc in và chú tạo.

    Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo Hàn Quốc đều có nhiều tông phái, thế nhưng trong số những tông phái ấy, phải nói đến sự đóng góp rất lớn cho Phật giáo của hai nước tồn tại và phát triển đó là Thiền phái Tào Động. Ở Hàn Quốc, khi đại sư Đạo Nghi (Doui) từ Trung Hoa truyền vào. Tiếp theo có hai thiền sư nổi tiếng là Phổ Chiếu Trí Nột ( Bojo Jinul) và Thái cổ Trí Ngu (Taego Bou) đã truyền bá và phát triển hưng thịnh thiền phái này. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận Hàn Quốc đã trải qua nhiều biến cố về xã hội, cho đến khi phát triển theo hướng kinh tế tư bản phương Tây, thế nhưng thiền phái Tào Động đã xây dựng được cho mình những nguyên lý, tổ chức và mục tiêu phù hợp với tình hình thời đại để góp phần làm hưng thịnh cho Phật giáo nước nhà. Cũng vậy, đối với Việt Nam, Thiền phái Tào Động ở Đàng Ngoài (miền Bắc) với hai Thiền sư nổi tiếng là Thiền sư Thủy Nguyệt và Thiền sư Chân Dung (Tông Diễn) ở thế kỷ 17 đã được vua chúa kính mến, dân chúng tu học theo ngày càng đông. Đặc biệt, thời vua Lê Hy Tông (niên hiệu Vĩnh Trị, năm 1678) đã ra lệnh đuổi hết tăng ni già trẻ ra khỏi phố thị về sống chốn núi rừng. Lúc này, Thiền sư Chân Dung (Tông Diễn) với tài đức, uy tín của mình đã dâng biểu khuyên can, cảnh tỉnh được nhà vua. Trong tập Tào Động Tông Nam truyền Tổ sư Ngữ Lục ghi:

    “Tiền quốc Vương hề hậu quốc Vương

    Tiền hà hâm mộ hậu hà mang?

    Hữu linh tương nguyện kim phiên xuất

    Li cửu trung môn nhập bất phương”

    Dịch nghĩa :

    Trước là vua sau cũng là vua

    Xưa sao kính mộ nay chẳng ưa?

    Có linh xin nguyện phen này đến

    Cửa khuyết ra vào được tự do

     (HT. Thích Thanh Từ dịch)

    Điều này đã minh chứng rằng, Phật giáo Việt Nam phát triển hưng thịnh là nhờ vào sự hộ trì của vua quan thời Lý-Trần cũng như các bậc cao tăng thạc đức của Thiền tông Tào Động đã phát huy được tinh thần hộ quốc, an dân và tư tưởng thiền cũng đã phù hợp với mọi thời đại. Vì thế, Phật giáo Hàn Quốc và Phật giáo Việt Nam đều nhờ vào đó mà phát triển.

    TT. TS Thích Đức Thiện, kết luận đúc kết buổi toạ đàm

    Sau hơn 3 tiếng diễn ra Tọa đàm, đã có 10 bài tham luận, ý kiến phát biểu, trao đổi, thảo luận từ các Chư tôn đức, các chuyên gia, nhà khoa học của đoàn đại biểu Việt Nam và Hàn Quốc với các nội dung chủ yếu được tập trung như sau:

    1. Giới thiệu về những đặc trưng, nét tương đồng của văn hóa Phật giáo Việt Nam và Hàn Quốc. Qua đây, chúng ta có cơ hội nhận diện, hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa, con người của 2 quốc gia.
    2. Mối quan hệ, giao lưu, hợp tác, trao đổi văn hóa Phật giáo giữa 2 quốc gia cũng như những tình cảm, gắn kết cộng đồng Phật tử, cư dân 2 nước Việt – Hàn có truyền thống và luôn được quan tâm, phát triển, đặc biệt được thể hiện rõ qua tổ chức và các hoạt động Phật giáo luôn được phát triển, mở rộng.
    3. Vai trò của Phật giáo không chỉ trong đời sống tôn giáo, tinh thần của người dân 2 nước mà còn cho thấy những hoạt động của Phật giáo là một trong những hoạt động quan trọng trong ngoại giao nhân dân và đạt hiệu quả tích cực mà Tọa đàm ngày hôm nay là một ví dụ cụ thể.
    4. Những kinh nghiệm, bài học quý báu mà các đại biểu chia sẻ trong Tọa đàm này chắc chắn rất hữu ích cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp thu và vận dụng trong thực tiễn phát triển Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới. Bởi Hàn Quốc và Nhật bản là những quốc gia rất thành công trong phát triển đất nước tiên tiến, hiện đại mà vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc. Và con đường phát triển đất nước Việt Nam có nhiều điểm tương đồng mà Việt Nam rất cần học hỏi.
    5. Tọa đàm cũng là một trong những hoạt động thiết thực góp phần phong phú cho Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng năm 2019 và có ý nghĩa hơn bởi tính khoa học và thực tiễn mà Tọa đàm mang lại.

    Những nội dung của Tọa đàm đã góp phần giúp tăng ni Phật giáo nâng cao nhận thức cũng như ý thức trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Phật giáo đồng thời nâng cao tinh thần giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa Phật giáo thế giới nhằm định hướng xây dựng, phát triển nền văn hóa Phật giáo tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia cũng như chung tay xây dựng, phát triển Phật giáo đại đồng trên toàn thế giới.

    Tôi thấy rằng, buổi Tọa đàm khép lại nhưng các vấn đề thảo luận, đặt ra ngày hôm nay lại gợi mở cho chúng ta những buổi tọa đàm, giao lưu, gặp gỡ tiếp theo với những nội dung, trao đổi, thảo luận khoa học, sâu sắc hơn.

    Xin chia sẻ một số hình ảnh được ghi nhận từ buổi toạ đàm:

    Cung nghinh chư Tôn đức và quý quan khách quang lâm

    Chư Tôn đức chứng minh niệm Phật cầu minh huân gia bị

    Đại đức Thích Minh Đăng MC buổi toạ đàm

     

    Nghi thức múa dâng hoa cúng dường

    Toàn cảnh hội nghị

    Chụp hình lưu niệm

    Tổ TT- TT Ban Văn hoá TƯ GHPGVN 

    Mời quý vị xem thêm trực tiếp buổi toạ đàm >>

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều