Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Khác
    HomeVăn HóaNghệ thuậtChùa Việt dưới ống kính nhiếp ảnh gia Pháp

    Chùa Việt dưới ống kính nhiếp ảnh gia Pháp

    Tối 9-11-2018, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra khai mạc Triển lãm ảnh “Chùa Việt Nam” của nhiếp ảnh gia người Pháp Nicolas Cornet. 



     
    Nicolas Cornet (2).JPG
    Triển lãm ảnh “Chùa Việt”
    Triển lãm trưng bày khoảng 50 bức ảnh nghệ thuật về các ngôi chùa ở khắp Việt Nam, như: Trấn Quốc, Bút Tháp, Phổ Minh, Keo, Tây Phương, Một Cột… Những tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm là một phần trong cuốn sách ảnh của tác giả Nicolas Cornet với tựa đề Viet Nam Pagodas, cũng ra mắt cùng với triển lãm. Đi theo hành trình từ Bắc vào Nam, cuốn sách giới thiệu những ngôi chùa “lớn” của đất nước, những đền thờ và những nơi thờ cúng của người dân Việt. Những hình ảnh trong suốt 5 chương của tác phẩm cho người đọc một cái nhìn đa dạng về kiến trúc truyền thống đền chùa, đồng thời chú trọng vào các chi tiết nghệ thuật của một di sản giàu có mà đôi khi còn chưa được biết đến của đất nước này.
    Nicolas Cornet là phóng viên và nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp người Pháp, đã từng xuất bản hàng chục cuốn sách và gần một trăm phóng sự, đồng thời, tham gia thực hiện nhiều triển lãm ảnh tại Pháp, Thụy Sĩ và nhiều nước châu Á. Ông cộng tác thường xuyên với các báo và tạp chí lớn của châu Âu như: L’Espresso, Mare, Le Monde, D-La Repubblica, Siette Leguas, El Mundo, Figaro Magazine, Nouvel Observateur, Geo và cũng cộng tác với các đoàn làm phim và truyền hình tư liệu.
    Nicolas Cornet cho biết, ông đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1987 để hỗ trợ công việc cho một người bạn, và gắn bó với Việt Nam kể từ đó. Viet Nam Pagodas không phải là cuốn sách đầu tiên Nicolas Cornet thực hiện về Việt Nam. Trước đó, ông đã thực hiện các cuốn như Vietnam (2004), Vietnam C’est le rêve (2007), Vietnam – Sense of place (2009)… Những cuốn sách của Nicolas Cornet về Việt Nam được phát hành tại châu Á và châu Âu. Bằng cách này hay các khác, hình ảnh về đất nước, con người, văn hóa, di sản của Việt Nam đã được quảng bá với thế giới với góc nhìn lạ lẫm, háo hức của một người ngoại quốc.
    Nicolas Cornet đã chụp khoảng 22.000 bức ảnh để “chắt chiu” trong 250 trang sách của cuốn Chùa Việt Nam. “Bằng việc nhiếp ảnh, tôi đã tích lũy được vốn kiến thức, hiểu biết kha khá về di sản Phật giáo Việt Nam. Tôi đã có thể biết một bức khảm này có từ thời nhà Lý, hay thời nhà Trần, hay ở một thời kỳ lịch sử nào đó. Bởi thế, tôi muốn người xem thấy được bức tranh phong phú về kiến trúc đền chùa cổ, những chi tiết mỹ thuật của khối di sản đồ sộ, cũng như cuộc sống thường nhật ở nơi này. Cuốn sách ảnh không chỉ phát hành tại Việt Nam, mà còn ở Pháp, và đang được thương thảo để phát hành tại Anh”, Nicolas Cornet cho hay.
    Theo nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet, chùa truyền thống Việt Nam đều được làm bằng gỗ, vật liệu tự nhiên này mang lại vẻ ấm áp và thoáng mát, tuy nhiên cũng dễ bị tổn thương do thời tiết ẩm ướt và côn trùng phá hại. Các nhà nghiên cứu Việt và Pháp, nhất là từ Trường Viễn Đông của Pháp, từ hơn một thế kỷ nay đã tìm ra biện pháp tu bổ theo phương pháp cổ truyền để bảo toàn được linh hồn của những nơi chốn thiêng liêng này. Những kỹ thuật đắt tiền và dày công này là cái giá để gìn giữ lâu dài vẻ đẹp nội tại và giá trị văn hóa của chúng.
    Nicolas Cornet (3).JPG
    Nicholas Cornet (phải) đang thuyết trình tại triển lãm
    Trong cuộc trò chuyện, Nicolas Cornet cho thấy sự tiếc nuối khi nhắc đến việc có những ngôi chùa, công trình kiến trúc được coi là di sản quốc gia nhưng bị phá hủy, thay mới. “Sau khi chùa Phật Tích (Bắc Ninh) tu sửa, tôi đã không còn nhận ra được ngôi chùa ấy nữa. Điều đó thôi thúc tôi làm phóng sự ảnh như cách để ghi lại, hay thống kê những ngôi chùa, những di tích vốn là những di sản quý còn lại trên đất nước Việt Nam mà nhiều người, trong đó có cả chính người Việt Nam còn ít biết đến. Tôi muốn làm điều gì đó, trước khi những di sản quý có thể một ngày nào đó bỗng nhiên biến mất, hay biến dạng như những gì tôi đã nhìn thấy với chùa Phật Tích”, nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet nói.
    Nicolas Cornet cũng nhận xét về sự thay đổi trong đời sống tôn giáo tại Việt Nam trong những năm gần đây. “Hơn 30 năm trước, khi tôi đến Việt Nam, những ngôi chùa thường vắng vẻ hơn. Nhiều ngôi chùa được chuyển đổi công năng, phục vụ những mục đích khác ngoài việc thờ cúng. Nhưng dưới sự quan sát của tôi, 10 năm trở lại đây đã có nhiều chuyển biến. Chùa không chỉ là nơi hành đạo. Nhiều người bạn của tôi còn kể rằng họ đến chùa để học tập, điều mà trước đây rất ít thấy”, ông nói. “Tôi đặc biệt bị cuốn hút bởi những câu chuyện lịch sử, văn hóa, nhất là sự đổi khác của không gian linh thiêng, cũng như ý nghĩa của chúng trong đời sống của người dân Việt Nam. Tôi muốn góp phần lưu giữ lại những nét đẹp của di sản văn hóa Việt Nam”, Nicolas Cornet nói thêm.
    Phát biểu khai mạc triển lãm, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ngài Bertrand Lortholary nhận định: “Triển lãm nhiếp ảnh Chùa Việt Nam là sự kiện quan trọng của mối bang giao Pháp – Việt, diễn ra ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Pháp đến Việt Nam. Sự tinh tế trong những tác phẩm nhiếp ảnh là hiện thân cho sự hợp tác, gắn bó giữa Pháp và Việt Nam. Tập vựng ảnh Viet Nam Pagodas như một bản thống kê một phần di sản văn hóa của Việt Nam, mà những người yêu văn hóa Việt Nam phải có trách nhiệm giữ gìn để truyền lại cho con cháu sau này. Bảo tồn di sản văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước mà là nhiệm vụ của tất cả chúng ta. Thông qua triển lãm và tập sách ảnh, chúng tôi hy vọng góp phần lưu giữ lại nét đẹp di sản văn hóa, đồng thời mong muốn người Việt cũng như tất cả những ai yêu văn hóa Việt có thể nhận thức được rằng đền chùa Việt Nam là một phần di sản văn hóa quốc gia. Hy vọng rằng nhận thức đó sẽ dẫn đến việc áp dụng các phương pháp khoa học và sử dụng kiến thức của cộng đồng chuyên môn quốc tế vào việc bảo tồn các di sản này”.
    Nicolas Cornet (1).JPG
    Một góc không gian triẻn lãm ảnh
    Bên lề triển lãm ảnh, tôi gặp nhà báo, nhà nhiếp ảnh Việt Văn – người cũng từng nhiều lần tổ chức triển lãm ảnh về Phật giáo và Chùa Việt Nam. Tôi nêu câu hỏi: ông nhận xét thế nào về những tác phẩm của Nicolas Cornet trưng bày tại triển lãm. Việt Văn nhận định: Bộ ảnh này của nhiếp ảnh gia người Pháp rất công phu, bởi ông chọn đề tài khó. Những bức ảnh miêu tả từ những kiến trúc chung, hoa văn, đời sống của các nhà tu hành đến đời sống của Phật tử, thái độ thành kính của người dân đến chùa lễ Phật. Hầu hết các bức ảnh chụp trung cảnh và cận cảnh, miêu tả quang cảnh những ngôi chùa với không gian vật lý, cũng như không gian tâm linh của Việt Nam, có câu chuyện trong mỗi hình ảnh. Những nụ cười của các nhà sư trong khoảnh khắc có ranh giới giữa đạo và đời. Xét về vấn đề bảo tồn di sản, những bức ảnh của Nicolas Cornet có ý nghĩa, đã chụp được những nét cổ xưa trong các di tích, phác họa được những dấu tích của thời gian cần phải lưu giữ.
    “Tuy vậy, tôi cảm nhận ống kính của nhà nhiếp ảnh này có sự rụt rè. Mặc dù ông ấy là người nước ngoài, nhưng có cách tiếp cận chưa đủ mạnh, nên chưa rọi sâu được vào đời sống tâm linh của người Việt. Mặc dù đã có những bức ảnh rất riêng tư, như cảnh giường ngủ của sư thầy chùa Bổ Đà. Nhưng các bức ảnh mới chỉ miêu tả được quang cảnh bên ngoài, cho thấy những cảnh đặc trưng, hay những cảnh “lạ” của Phật giáo Việt Nam trong mắt người châu Âu, mà chưa lột tả được nội tâm của mỗi con người đến chùa. Trong nhiếp ảnh, tôi thích những tác phẩm mang tính ẩn dụ, nhưng ở đây ảnh mang tính tả thực hơi nhiều mà ít có tính ẩn dụ”, Việt Văn nói.
    Bài, ảnh: Chu Minh Khôi
    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều