Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Khác
    HomePhật HọcCầu an có phải là pháp của đạo Phật?

    Cầu an có phải là pháp của đạo Phật?

    HỎITôi là người theo đạo Phật và muốn hiểu rõ hơn về giáo pháp. Tôi có câu hỏi xin quý Báo trả lời giúp: Cầu an có phải là pháp của đạo Phật? Nếu có thì xin vui lòng chỉ giúp Đức Phật dạy trong những kinh nào?
    (MINH CƯỜNG, quexua…@gmail.com)
    candle.jpg
    “Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi…”
    ĐÁP:
    Bạn Minh Cường thân mến!
    Cầu an: Cầu là mong cầu, mong ước, nguyện cầu. An là an ổn, an lành, an lạc, an vui. Cầu mong cho mình và người cùng chúng sinh an lành, không sợ hãi, bớt bệnh khổ, thân khỏe tâm an gọi là cầu an. Cầu an theo tinh thần này bàng bạc trong giáo pháp của đạo Phật.
    Cầu mong cho mình và người cùng chúng sinh an lành
    Kinh Tiểu bộ (kinh Từ bi), Đức Phật dạy: “Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi. Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên Trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh. Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn”.
    Cầu mong cho mình và người cùng chúng sinh không sợ hãi
    Kinh Tương ưng bộ (chương XI, Tương ưng Sakka, phần III. Dhajaggam: Ðầu lá cờ): “Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika. Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
    – Này các Tỷ-kheo, khi các ông đi vào rừng, đi đến gốc cây hay đi đến nhà trống, nếu run sợ, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, trong khi ấy hãy niệm nhớ đến Ta: ‘Ngài là Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn’.
    – Này các Tỷ-kheo, khi các ông niệm nhớ đến Ta, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, sẽ được tiêu diệt.
    – Nếu các ông không niệm nhớ đến Ta, hãy niệm nhớ đến Pháp: ‘Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu’.
    – Này các Tỷ-kheo, khi các ông niệm nhớ đến Pháp, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.
    – Nếu các ông không niệm nhớ đến Pháp, hãy niệm nhớ đến chúng Tăng: ‘Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Thiện hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Trực hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Chánh hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Như lý hạnh, tức là bốn đôi, tám chúng. Chúng Tăng đệ tử này của Thế Tôn đáng được cúng dường, đáng được hiến dâng, đáng được bố thí, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở trên đời’.
    – Này các Tỷ-kheo, khi các ông niệm nhớ đến chúng Tăng, thời sợ hãi, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt’.
    Kinh Tạp A-hàm (số 980, kinh Niệm Tam bảo) có nội dung tương đồng:
    “Các ông sắp vào nơi hoang mạc, sẽ gặp nhiều khủng bố, tâm kinh hoàng dựng đứng cả lông, lúc ấy nên niệm Như Lai sự: ‘Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác,… cho đến Phật, Thế Tôn’. Niệm như vậy thì mọi khủng bố đều tiêu trừ. Lại niệm Pháp sự, ‘Chánh pháp luật của Phật, được thấy trong hiện tại, có thể xa lìa sự thiêu đốt, không đợi thời tiết, được thấu suốt, được thân cận, duyên vào tự mình mà giác tri’. Lại niệm Tăng sự, ‘Đệ tử của Thế Tôn thiện hướng, chánh hướng… cho đến là ruộng phước của thế gian’. Niệm như vậy, thì mọi sự khủng bố đều được tiêu trừ”.
    Cầu mong cho mình và người cùng chúng sinh bớt bệnh khổ
    Kinh Tương ưng bộ (tập V, chương II – Tương ưng giác chi, phần Bệnh):
    “Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, rừng Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahà Kassapa trú ở hang Pipphalì, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.
    Ngồi xuống, Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Kassapa :
    – Này Kassapa, ông có kham nhẫn được chăng? Ông có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có triệu chứng giảm thiểu, không có tăng trưởng?
    – Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, con không thể chịu đựng. Khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng trưởng, không có giảm thiểu.
    – Này Kassapa, bảy giác chi này do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn… Xả giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Bảy giác chi này, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
    – Thật vậy, bạch Thế Tôn, chúng là giác chi. Thật vậy, bạch Thiện Thệ, chúng là giác chi.
    – Thế Tôn thuyết như vậy, Tôn giả Mahà Kassapa hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và Tôn giả Mahà Kassapa được thoát khỏi bệnh ấy. Bệnh ấy của Tôn giả Mahà Kassapa được đoạn tận như vậy”.
    Còn rất nhiều bài kinh có nội dung cầu an trong Kinh tạng Pali, chúng tôi chỉ trích một số kinh tiêu biểu để xác quyết rằng cầu an chính là pháp của đạo Phật, là Thánh cầu.
    Chúc bạn tinh tấn!
    Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều