Thứ Tư, Tháng Chín 18, 2024
Khác
    HomeThời ĐạiGiáo dụcÁnh Sáng Giáo Dục Trong Nền Phật Giáo Việt Nam

    Ánh Sáng Giáo Dục Trong Nền Phật Giáo Việt Nam

    –     SƠ LƯỢC VỀ GIÁO DỤC

        Giáo dục là một nền tảng rất lớn trong xã hội loài người,sự hình thành nhân cách của một con người, cũng là một nền đạo đức phát triển cho sự tồn tại của mỗi con người trong cuộc sống gia đình cộng đồng và xã hội,nếu nói rộng ra thì đạo đức sẽ kết nối từ đời này sang nhiều đời sau. Một nền đạo đức đã bao hàm hết tất cả các nền đạo đức từ phương đông đến phương tây.

       Theo dòng lịch sử, dân tộc Việt Nam đã chịu ảnh hưởng rất nhiều nền đạo đức khác nhau, mỗi thời đại lại có một nền tư tưởng khác nhau. Nhưng riêng nền giáo dục đạo đức trong Phật giáo là một nền đạo đức bao gồm tất cả những nguyên lý (đạo lý) ,nguyên tắc, chuẩn mực, phẩm chất, nhân cách. Tất cả đều căn cứ vào trên những hành vi của mỗi con người , chúng ta có thể đi đến cách đánh giá, nhận xét quan niệm về “thiện” và “ác”, chánh kiến, tà kiến, chánh nghĩa , phi chánh nghĩa, nghĩa vụ và danh dự. Nhờ hình thái ý thức chuẩn mực trong xã hội mà con người điều chỉnh được hành vi của mình, hành vi được hình thành bởi ý và ý thức. Một người có ý thức nhận thức đúng sẽ có những hành vi đẹp, từ hành vi đẹp không chỉ làm đẹp cho tình cảm con người và xã hội gần nhau hơn mà còn giúp cho nhân sinh quang và vũ trụ quang có ánh sáng xuyên suốt hơn.

       Dựa theo trên nguyên tắt giáo dục chuẩn mực đó, đã giúp cho con người nắm rõ các yếu tố hình thành nên đạo đức và có nhận thức đúng với tầm quan trọng của đạo đức. Trong đời sống hàng ngày, trong giao tiếp, trong công việc hàng ngày,đạo đức là mối quan hệ hàng đầu dựa theo trên những hành vi, những ứng xử đẹp. Có thể nói ; từ cơ quan công sở nhà nước cho đến các doanh nghiệp hay các nhà doanh nghiệp thì đâu đâu cũng cần phải lấy chữ đạo đức đặt lên hàng đầu. Chính nhờ ý thức nhận thức được đạo đức là tầm quan trọng không thể thiếu trong mỗi mối quan hệ ,từ đó dẫn đến việc giúp cho con người điều chỉnh được hành vi của mình sao cho phù hợp, sao cho đúng ngữ cảnh và hoàn cảnh hiện thực. cũng từ đó ,giúp cho con người hoàn thiện mình được tốt hơn. .

    - Advertisement -

    Hình ảnh: Lễ công bố QĐ nhân sự Ban Giáo dục Phật giáo TƯ khóa VIII

    –     TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH 

     Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “muốn nước nhà thống nhất, sánh vai với Cường quốc Năm châu thì phải chống giặc đói xóa giặc dốt”.  Ngày 03 tháng 09 năm 1945 Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân chống giặc đói xóa giặc dốt, nền giáo dục của nước nhà bắt đầu phát triển. Lời kêu gọi của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, lấy giáo dục làm nền tảng cho sự phát triển nhân cách của con người ,đồng thời phát triển đất nước theo kịp và sánh vái với cường Quốc năm châu. Đó cũng là tiền đề làm động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giữ vững ý chí và phấn đấu xây dựng nhân cách và xây dựng nền đạo đức để phát triển đất nước.

    –     NỀN GIÁO DỤC TRONG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

        Song song với nền xây dựng giáo dục của nước nhà, thì năm 1964 Phật giáo Việt Nam tại TPHCM có Hòa Thượng Thích Định Quang, trụ trì chùa Huỳnh Kim địa chỉ: số 546, đường Quang Trung, Phường 11, Gò Vấp, TPHCM, với tư tưởng muốn Tăng chúng có Tăng tài, đất nước có vẻ vang thì tất cả đều nhờ vào nên giáo dục. Từ đó; Hòa Thượng bắt đầu tham gia vào phật sự giáo dục và Ngài đã đóng góp rất lớn và thiết thực vào việc giáo dục Tăng tài,  khai mở ra nền giáo dục cho Tăng ni và phật tử.

          Từ năm 1964 đến năm 1975, sau 10 năm ngài đảm trách công việc giáo dục đào tạo Tăng tài, Ngài đã thành lập Viện Phật học Huệ Quang do Ngài làm Giám viện tại chùa Huỳnh Kim Quận Gò Vấp, đã đào tạo được ba khóa từ Sơ đẳng đến Trung đẳng Phật học chuyên khoa .

     Vào năm 1969, Hòa Thượng bắt tay vào xây dựng thêm trường Bồ Đề Huệ Quang kế bên Viện Phật Học gồm một tầng trệt và một tầng lầu, trong đó có mười phòng học, dành cho các lớp Tiểu học, Trung học, Đệ nhị cấp. Đệ nhất cấp và Ngài được đề cử giữ chức vụ Giám đốc cùng với Ban giám hiệu hành những hoạt động của nhà trường.

    Hình ảnh: Tăng ni sinh dự lễ phát bằng tốt nghiệp tại Học viện PGVN TPHCM

      TIỂU SỬ VÀ CUỘC ĐỜI HÀNH ĐẠO CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỊNH QUANG- (1924-1999)

    1-   TIỂU SỬ :

         Hòa Thượng Thích Định Quang sinh ngày 25 tháng giêng năm 1924 tại Ấp Bình Phú , xã Tân Bình Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Long Xuyên, nay thuộc Ấp Bình Phú Qưới, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ngài thế danh là Trần Văn Chỉnh, thân phụ là của Ngài là ông Trần Văn Sự và thân mẫu là bà Nguyễn Thị Quơn. Song thân của Ngài sinh được tám người con, Ngài là con thứ bảy trong gia đình Ngài lớn lên một gia đình có truyền thống Y học ,Nho học và sùng kính đạo Phật. Do đó;song thân của Ngài đã xây dựng một ngôi chùa trên phần đất của gia tộc, ngôi chùa được lấy tên là chùa Phước Long và được Hòa Thượng Hồng Phước, trụ trì chùa Từ Quang kiêm đảm nhiệm chùa Phước Long.

         Hạt giống Bồ đề từ Tâm được nuôi dưỡng trong môi trường Tôn kính Phật, đã xây dựng trong phần đất Tâm của Ngài một ý chí xuất gia mãnh liệt. Vào năm 1941, Ngài xin phép song thân cho Ngài được xuất gia, được sự chấp thuận của song thân, Ngài đến chùa Phước Long xin xuất gia và được Hòa Thượng Hồng Phước nhận làm đệ tử. Ngài chính thức được xuất gia và được Hòa Thượng đặt Pháp danh là Nhựt Kiến, hiệu Không Tâm.

         Sau bốn năm theo thầy tu học, thầy Bổn sư của Ngài nhận thấy những yếu tố của một người xuất gia trong Ngài đã đạt nên vào năm 1944 Ngài được thầy Bổn sư cho đăng đàn thọ giới Sa-Di, tại chùa Giác Hoa ,địa chỉ tại chợ Mới Long Xuyên (nay thuộc tỉnh An Giang), sau đó Ngài tiếp tục đến tham học Kinh- luật của Thiền môn và làm thị giả hầu cận thầy Bổn sư tại chùa Từ Quang. Với hạnh nguyện phát khởi , đạo hạnh trang nghiêm, Ngài tinh tấn tu học Phật pháp. Sự nổ lực tinh tấn cầu đạo của Ngài, vào năm 1945, Ngài được thầy Bổn sư cho thọ Cụ túc giới trong Đại giới đàn tại Chùa Pháp Hoa, Chợ mới Long Xuyên.

    2-   CUỘC ĐỜI HÀNH ĐẠO CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỊNH QUANG

         Trải qua tám năm theo thầy tu học,ngõ hầu mong nối theo chí nguyện của thầy Tổ, nhưng vô thường chi phối, năm 1948 Thầy Tổ của Ngài viên tịch, cũng là lúc thực dân Pháp quay trở lại xâm lược chiếm toàn bộ lục tỉnh Nam Kỳ (6 tỉnh phía Nam). Với lòng yêu nước, nhà nhà đánh giặc, người người đánh giặc, nhân dân Nam Kỳ bắt đầu rơi vào cảnh nước mất nhà tan. Nỗi đau văng bóng thầy Tổ chưa nguôi, thì nỗi đau nước nhà bị giặc ngoại xâm đánh chiếm. nhân dân khắp nới đứng lên đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. trước bối cảnh nước nhà như vậy, Ngài không thể bàng quang đứng nhìn thời cuộc, Ngài quyết định tham gia vào phong trào đấu tranh giành độc lập. Ngài tham gia vào tổ chức Thanh niên Tiền phong và hội Phật giáo cứu Quốc Nam Bộ.

          Sau hai năm tham gia kháng chiến cứu nước, vào năm 1950, duyên lành đã hội đủ, Ngài đến chùa Bình An, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc tỉnh An Giang), ngài xin cầu Pháp với Hòa Thượng Chơn Thành để tiếp tục hạnh nguyện trên con đường tu học Phật pháp và hành đạo.

          Từ khi Ngài quyết định từ giã ngôi Tổ đình Từ Quang để ra đi tìm cầu Pháp. Sau khi Ngài đến cầu Pháp tại chùa Bình An, kế tiếp là chùa Linh Thứu, chùa Phước Ân, chùa Phong Hòa, chùa Tân Long…đến nơi nào thầy cũng đều phát tâm công phu công quả để đáp đền ơn cha mẹ, ơn thầy tổ và ơn đàn na tín thí

    Hình ảnh: TP.HCM Lễ tốt nghiệp cử nhân, Ths Phật học năm 2017 

       BƯỚC ĐẦU ĐỊNH HƯỚNG CON ĐƯỜNG ĐỂ MỞ RA NỀN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TĂNG TÀI

         Kể từ khi được xuất gia tu học Ngài đã trải qua biết bao nhiêu gian khó trong bối cảnh nước nhà ly tan,Ngài vẫn không nao núng ý chí hướng thượng, dù hoàn cảnh có đưa đẩy đến cho cuộc đời tu của Ngài khắc nghiệt bao nhiêu thì ý chí xuất trần của Ngài càng vững chắc bấy nhiêu.

         Vào năm 1957, Ngài bắt đầu lên Sài Gòn tham dự vào khóa huấn luyện trụ trì “ Sứ giả Như Lai”, do hội Tăng già Việt Nam tổ chức tại chùa Pháp Hội-chợ Lớn. Hai năm sau, vào năm 1959 Ngài được hội Tăng già đồng ý và phật tử thỉnh Ngài về trụ trì chùa Huỳnh Kim quận- Gò Vấp. Chùa này do gia tộc họ Nguyễn xây dựng và được ông Nguyễn Văn Sắc đại diện gia tộc hiến cúng. Đến đây Ngài dừng bước để bắt đầu thực hiện tiếp hạnh nguyện của mình trên con đường “Thượng cầu Phật đạo, Hạ hóa chúng sanh”.bấy giờ Ngài được 35 tuổi.

      Với mục đích ,Phật giáo phát triển song song với nền giáo dục , Ngài không ngại hy sinh cuộc đời của mình để đào tạo Tăng tài và gieo Phật pháp vào lòng nhân dân phật tử. Lúc bấy giờ, ngôi chùa còn rất hoang sơ nằm giữa đồi cỏ lau hoang vu che kín. Ngài đã không ngại khó khăn khổ nhọc để tu sửa lại ngôi chùa ,đông thời dựng tam một ngôi nhà lá để có chỗ tu tập và mở một phòng thuốc nam miễn phí để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đây là hành trang bằng tâm hành thiện ,thân hành thiện để giáo hóa mọi người đến với Phật pháp và trở thành người phật tử.

        Dẫu đang trên con đường thuận lợi về công việc phật sự và hành đạo nhưng Ngài vẫn thấy mình cần có thầy Tổ để nương Pháp. Đến năm 1960 Ngài tiếp tục đến chùa Thiền Tôn ở Quận 5 chợ Lớn, Ngài xin y chỉ cầu Pháp với Hòa Thượng Minh Đức, tai đây, Ngài được Hòa Thượng chấp thuận và ban cho Pháp húy là Tâm Chỉnh, hiệu là Định Quang. Nối tiếp Pháp đời thứ 43, dòng Tế Thượng Chánh Tông thuộc môn phải Thiên Thai Thiên giáo Tông.

       Đến năm 1961 ,Ngài bắt đầu khởi công xây dựng lại chùa Huỳnh Kim  và xây thêm hai dãy đông lang-tây lang, công trình tu sửa chùa đến đây tạm hoàn mãn phần cơ bản.

    Sau thời cuộc Pháp nạn của Phật giáo năm 1963, cuộc đấu tranh đòi bình đẳng Tôn giáo của Phật giáo miền Nam thành công thì vào năm 1964 Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhât ra đời, lúc bấy giờ, Ngài được bầu cử đảm nhiệm nhiều vai trò chức vụ trong giáo hội như:

    –     Phó tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp

    –     Phó tổng Vụ trưởng Tổng vụ  tài chính kiến thiết

    –     Đặc ủy Tăng sự Gia Định

    –     Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) Thống nhất tỉnh Gia Định (nhiệm kỳ 1) .

        Với ý chí và hành nguyện giáo dục đào tạo Tăng tài, xây dựng nền đạo Pháp vững mạnh, Ngài đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, chỉ cần Tăng ni tiếp cận được nền giáo dục thì mới mong đạo Pháp vững bền. với phương châm “ Văn-Tư-Tu” có song hành thì phẩm hạnh Tăng đoàn mới Viên thông Phật pháp mới trường tồn được. Vì thế; Ngài đã mở ra con đường học Pháp, mở ra một nền giáo dục mới cho Tăng đoàn nói chung và Phật giáo miền Nam nói riêng được lưu truyền mãi đến ngày nay.

         Năm 1975, sau khi đất nước hoàn toàn được giải phóng , lúc bấy giờ ,Hòa Thượng Minh Nguyệt, Hòa Thượng Thiện Hào, Hòa THượng Bửu Ý đứng ra thành lập Ban liên lạc Phật giáo yêu nước tại TPHCM, Ngài được phân công làm trưởng Ban liên lạc Phật giáo yêu nước Quận 11, văn phòng đặt tại chùa Sùng Đức ,chợ Lớn.

         Vào năm 1979, sau khi Hòa Thượng Bửu Chơn, phụ trách Ban Phật giáo Quận Gò Vấp viên tịch, Ngài phải trở về Gò Vấp để nắm giữ chức vụ trưởng Ban liên lạc Phật giáo yêu nước cho đến ngày GHPGVN ra đời vào ngày 07 tháng 11 năm 1981.

          Dù thời cuộc trải qua muôn vàn khó khăn, nhưng với ý chí hoằng truyền chánh Pháp nối mạng mạch Như Lai của Ngài không hề lay chuyển. từ khi GHPGVN ra đời năm 1981 , đến năm 1982 Ngài giữ chức vụ Ủy viên tài chính trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam 3 nhiệm kỳ. đồng thời được Tăng ni và phật tử quận Gò Vấp tín nhiệm cung thỉnh Ngài chứng minh cho Phật giáo quận nhà và kế tiếp là làm Chánh Ban đại diện Phật giáo Quận Gò Vấp. Trong bốn nhiệm kỳ, của Thành hội Phật giáo TPHCM Ngài đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Kiểm soát và Trưởng Ban Kiểm Tăng Thành hội Phật giáo TPHCM/

          Năm 1990,bắt đầu khởi công trùng tu chùa Thiên Bửu, tại núi Thiên Thai, tỉnh Bà Rịa và Tổ đình Thiên Tôn cùng tháp Tổ tại Bình Khê- Bình Định. Đây là hai di tích của Tổ sư Huệ Đăng, BẤY GIỜ Ngài cùng Hòa thượng Thiện Hào làm Ban chứng minh cho Ban thừa kế Tổ đinh Thiên Thai trong công việc trùng tu này. Đồng thời bên cạnh đó, Ngài con đứng ra kêu gọi ,vần động phật tử hùn phước để xây dựng lại chùa Linh sơn Hải Hội tại phường 12 Quận Gò Vấp, đây là ngôi chùa do Hòa thượng Bửu Đăng khai sơn. Hòa thượng Bửu Đăng cũng là một liệt sĩ, ngài tham gia trong hội Phật giáo cứu Quốc tại chùa Tường Quang và Ngài hy sinh vào năm 1948  dưới thời thực dân Pháp đô hộ đất nước,hiện tại tháp mộ của Ngài được an trí tại nơi đây.

          Vào cuối năm một 1993, khi cơ sở công trình xây dựng trùng tu chùa Huỳnh Kim đã đi vào ổn định thì Hòa thượng Thích Định Quang bắt đầu mở lớp học tình thương cho tẻ em nghèo hiếu học tại, các cháu mồ côi không có điều kiện đến trường, lớp học được mở tại chùa Huỳnh Kim. Ngài mở lớp dạy được một năm, đến năm 1994,Ngài được các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân ,các thiện nam tín nữ đã đồng hành cùng Ngài để tặng học bổng cho khoảng 150 em học sinh nghèo vượt khó.ngoài chương trình học chính khóa Ngài còn mở thêm chương trình phụ dạy Anh ngữ và Pháp văn, lương cho giáo viên Ngài phụ cấp toàn bộ.

         TÓM LẠI :

      Cuộc đời tu học và phụng sự đạo Pháp của Ngài không ngừng trong sự đóng góp cho đạo Pháp và Dân tộc. Đến năm 1999 Ngài thu thần viên tịch vào lúc 16 giờ 30 ngày 07 tháng 9, nhằm ngày 15 tháng 10  âm lịch, sau một cơn bạo bệnh, Ngài trụ thế 76 năm, 51 Hạ lạp. Lớp Sơ cấp Phật học tại chùa Huỳnh Kim có trên 60 Tăng ni đăng ký theo học còn đang dở dang chưa được khai giảng.

          Ngài đi vào cõi Hư vô để lại cho nền giáo dục Tăng ni Việt Nam nói chung và Tăng ni Phật giáo  miền Nam nói riêng một công trình giáo dục rất lớn. Ngài là ngọn đuốc Trí tuệ cho nước nhà và đạo Pháp, Ngài là ánh sáng tri thức là nền tảng cho lớp Hậu sanh kế thừa Pháp vị Hậu lai. Ngài đã dày công vun vén cho sự nghiệp giáo dục để phục vụ đạo Pháp và Dân tộc đã được lưu truyền cho đến hôm nay, nhằm đảm bảo cho sự rèn luyện Đạo hạnh cho Tăng ni. Vì thế; giáo dục là một nền đạo đức truyền thống muôn đời của dân tộc, là nét đẹp văn hóa của nhân loại đã được rất nhiều nền giáo dục quan tâm, nhiều cộng đồng và nhiều triết gia nghiên cứu. Đó cũng là một nền đạo đức bằng Tuệ giác và Từ bi mà hành giả Xuất gia ngày hôm nay được kế thừa.. đó cũng là suối nguồn Tuệ giác được chảy mãi trong dòng lịch sử của dân tộc và cũng là ánh đuốc trí tuệ soi sáng mãi trong hàng Tăng chúng không bao giờ tắt.

    TN.Huệ Định

    ________________

         Tài liệu tham khảo:

    1-   Tài liệu tư tưởng Hồ Chí Minh Bộ giáo dục và đào tạo xuất bản lần thứ 11.

    2-   Tài liệu lưu trữ tiểu sử của Hòa thượng tại Chùa Huỳnh Kim do Phật tử Minh Quang, đệ tử Quy y trong Tông môn sưu tầm cung cấp.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều