Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Khác
    HomeVẻ Đẹp Người Xuất GiaNếp sống đạoSáu pháp hòa kính để sống chung an lạc

    Sáu pháp hòa kính để sống chung an lạc

    Sáu pháp hòa hợp này không chỉ có tác dụng chấm dứt tranh cãi, đấu tranh mà còn góp phần kiến tạo bản thể của Tăng già, đem lại hòa hợp an vui đồng thời làm nên linh hồn và sức mạnh đích thực của chúng Tăng…

    Sáu pháp hòa kính để sống chung an lạc

    Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, tại tinh xá Ghosita. Lúc bấy giờ, các Tỷ kheo ở Kosambi sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi. Họ không tự thông cảm nhau, không chấp nhận thông cảm; họ không tự hòa giải, không chấp nhận hòa giải.

    Rồi Thế Tôn cho gọi các Tỷ kheo đến và dạy như sau:
    Này các Tỷ kheo, có sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí. Thế nào là sáu?
    Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo an trú từ thân hành; an trú từ khẩu hành; an trú từ ý hành đối các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Đối với những tài vật nhận được đúng pháp phải san sẻ, dùng chung đối với các vị đồng phạm hạnh. Đối với các giới luật không có vi phạm, thành tựu các giới luật ấy với các vị đồng phạm hạnh. Đối với các tri kiến thuộc về bậc Thánh, Tỷ kheo sống thành tựu tri kiến như vậy cùng với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng.
    Này các Tỷ kheo, sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

    (ĐTKVN, Trung Bộ I, kinh Kosambiya, VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.701)

    - Advertisement -

     

    LỜI BÀN:
    Nguyên nhân chủ yếu để đưa đến xung đột, tranh chấp và đấu khẩu lẫn nhau trong một hội chúng xuất gia là do không tuân thủ sáu nguyên tắc sống chung an lạc.
    An trú từ thân hành, từ khẩu hành và từ ý hành là ba nguyên tắc đầu tiên (thân hòa cùng ở, miệng hòa không tranh, ý hòa cùng vui). Những hành nghiệp thân khẩu ý của một thành viên đối với đại chúng phải hướng về tịnh nghiệp, nghĩa là ba nghiệp được tác tạo và an trú trong chánh niệm đồng thời được soi sáng bởi trí tuệ và từ bi. Tiếp đến, việc chia sẻ quyền lợi đồng đều, hợp lý trong đại chúng cũng là một nguyên tắc quan trọng để đưa đến sự hòa hợp. Quan trọng nhất là tuân thủ giới luật, thanh quy trong đại chúng cùng với sự chia sẻ, đồng nhất về nhận thức giáo pháp, quan điểm tu tập, hướng đến giải thoát.

    Sáu pháp hòa hợp này không chỉ có tác dụng chấm dứt tranh cãi, đấu tranh mà còn góp phần kiến tạo bản thể của Tăng già, đem lại hòa hợp an vui đồng thời làm nên linh hồn và sức mạnh đích thực của chúng Tăng. Vì lẽ ấy, bất cứ hội chúng nào mà thiếu vắng lục hòa thì nơi ấy đại chúng sẽ bất hạnh, suy yếu bởi lục đục, xáo trộn, cạnh tranh và chia rẽ.

    Ngày nay, vì nhiều nhân duyên khác nhau, đa phần pháp lục hòa chưa được thực thi một cách trọn vẹn, triệt để tại các trụ xứ và dấu hiệu rạn vỡ, bất hòa trong các đoàn thể xuất gia ngày càng gia tăng. Tuy chưa đến mức báo động nhưng cũng làm thao thức, trăn trở cho nhiều người lưu tâm đến sự hưng suy và tồn vong của Chánh pháp.

     

    QUẢNG TÁNH

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều