Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Khác
    HomeĐời Sống Xã Hội5 bài học bạn học được từ con trẻ

    5 bài học bạn học được từ con trẻ

    Làm bậc cha mẹ không có gì thiêng liêng hơn là nuôi nấng, chăm sóc, bảo vệ các con của mình và nhìn thấy chúng lớn lên thành tài. Từ cách ăn mặc, lời nói, đi đứng,.. hầu như những đứa trẻ đều được cha mẹ chỉ bảo. Thế nhưng, ít ai để ý rằng đôi khi chính những đứa trẻ ấy lại dạy cho các bậc cha mẹ chúng ta những bài học vô giá trong cuộc sống. Sau đây là 5 bài học vô giá đáng mà chúng ta học hỏi từ những đứa trẻ ấy.


    1. Dám đương đầu với thách thức

    Bạn có để ý rằng trẻ con không bao giờ biết sợ, chúng luôn muốn trải nghiệm mọi thứ và quyết tâm thực hiện điều đó bằng mọi giá. Đối với trẻ con, thế giới như một cuộc phiêu lưu đang chờ được khám phá, chúng luôn hứng thú và phấn khởi đối với những thứ nhỏ nhặt mà chúng ta thường không để tâm.

    Khi lớn lên, tiếp xúc và gặp không ít những lừa lọc, dối trá, khó khăn thử thách,.. cho chúng ta tích góp được những kinh nghiệm và kỹ năng sống. Tuy nhiên, đó cũng là lý do chính làm cho lòng can đảm đương đầu với thách thức giảm sút đáng kể, chúng ta thường cảm thấy lo sợ khi khám phá những điều mới, những điều lo sợ phổ biến nhất là: sợ bị lường gạt, sợ thất bại, sợ bản thân không đủ năng lực,… Điều này làm chúng ta vô tình tạo ra một rào cản vô hình cho chính bản thân mình với thế giới bên ngoài, để rồi không dám bước ra rào cản ấy.

    Kinh Pháp cú dạy: “Tất cả chúng ta đều là kết quả của những gì chúng ta đã tư tưởng, nó nương tựa trên các tư tưởng của chúng ta”.

    - Advertisement -

    Đức Phật răn dạy rất phải, tất cả là do suy nghĩ của chúng ta mà ra, thế nên hãy cứ sống như những đứa trẻ, hãy loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, tiêu cực khỏi tâm trí và can đảm đương đầu với những thử thách, hãy xem cuộc đời như một cuộc phiêu lưu đầy gây cấn. Hãy tạo nên một câu chuyện đầy thú vị trong chính cuộc đời của bạn để lưu truyền cho các thế hệ sau.

    2. Thoải mái kết bạn

    Một trong những điều người lớn nên học hỏi từ những đứa trẻ là hãy kết bạn một cách thoải mái. Trong cuộc sống tất bật, ai cũng bận rộn, hầu như ai cũng quay cuồng với công việc và vấn đề của bản thân mà không để ý đến mọi người xung quanh. Dường như, họ chai lì với cảm xúc và ngày càng dửng dưng với mọi người xung quanh. Không những thế, một số người lớn trong chúng ta khi đã gặt hái được thành công và địa vị cao trong xã hội, lại càng không quan tâm đến những người kém thành công hơn mình. Cũng chính vì thế mà chúng ta cứ sống một cuộc sống nhàm chán, đơn độc và cảm thấy cuộc sống này không còn gì là thú vị.

    Vì thế hãy cứ vô tư kết bạn với tất cả mọi người, trao cho họ những nụ cười thân thiện, chào hỏi tất cả mọi người trên đường, cứ giang tay giúp đỡ những người gặp khó khăn xung quanh. Chúng ta sẽ nhận thấy rằng cuộc đời thật tươi đẹp, ngập tràn tiếng cười và niềm vui.

    3. Trân trọng những điều nhỏ

    Bạn có nhận thấy rằng trẻ con có thể ngồi ngắm những chú kiến chạy xuôi chạy ngược tha mồi về tổ hàng giờ một cách hứng thú, chúng có thể nhảy cẫng lên khi được bố mẹ mua cho một cái bánh kem vì được điểm 10 đầu tiên ở trường học, hay cảm thấy tự hào về bản thân khi giúp mẹ quét nhà và được mẹ xoa đầu khen giỏi,.. Chúng luôn tìm thấy niềm vui vô giá trong những thứ nhỏ nhất.

    Chúng ta càng lớn lên thì trách nhiệm và những lo toan về tiền bạc, danh vọng, địa vị lại càng nặng nề hơn, đôi khi chúng ta không để ý đến những thứ nhỏ nhặt xung quanh mình. Đức Phật có dạy về “thiểu dục”, “tri túc” tức là hãy cứ chạy theo ước mơ, và mong muốn thế nhưng chúng ta phải hiểu rằng khi nào phải dừng lại đúng lúc để giữ được hạnh phúc. Nếu không, chúng ra sẽ lạc bước sa đà vào con đường danh lợi, bạc tiền mà phần nhiều chỉ mang lại phiền muộn khổ đau”. Vì thế, đừng chỉ bị cuộc sống cuốn đi bởi những lo toan về vật chất, địa vị,.. mà quên đi những điều nhỏ nhặt xung quanh cuộc sống muôn màu này. Hãy cứ sống chậm lại, quan tâm và trân trọng nhiều hơn những khoảnh khắc bên gia đình, bạn bè và mọi thứ xung quanh để tận hưởng tất cả những điều thú vị nhỏ nhặt mà cuộc sống mang lại.

    4. Những chia sẻ chân thành

    Câu nói “trẻ con thì không biết nói dối” không còn xa lạ với chúng ta, và trở thành câu cửa miệng của mọi người. Ngay từ khi sinh ra, trẻ nhỏ như một tờ giấy trắng mang trong mình tính cách chân thật nhất, chúng chỉ nói đúng sự thật với những gì chúng thấy và cảm nhận được. Đây là điểm đáng học hỏi từ những đứa trẻ.

    Chúng ta luôn dạy các đứa trẻ rằng không được nói dối vì đó là đức tính xấu, người dối trá là người không được mọi người tôn trọng và sẽ không bao giờ thành công trong cuộc sống hay sự nghiệp. Thế nhưng, trong cuộc sống đôi khi chúng ta quên mất những lời chúng ta từng răng dạy con cháu mình vì nhiều lý do khác nhau, dù cố tình hay vô ý thì nó cũng sẽ thành thói quen không tốt cho chúng ta.

    Trong các lời dạy của Đ��c Phật cũng có nói rằng “Người chân thành bao giờ cũng được người khác tin cậy, yêu mến… Lời nói chân thành có sức thuyết phục rất cao.”

    Chỉ cần thành thật với mọi người thì sẽ đạt được thành công trong cuộc sống. Không những vậy Đức Phật còn dạy rằng người luôn chân thành sẽ sống hạnh phúc và an yên hơn vì luôn tìm thấy được sự thanh thản trong cuộc sống không sợ gặp phải tai nạn, vì dối trá thì thường sẽ sợ bị “dấu đầu lòi đuôi” còn thật thà thì chỉ có một chân dung không phải sợ bị phát hiện.

    5. Biết ước mơ

    Chắc hẳn trong mỗi chúng ta có ít nhất một lần nghe con, cháu hay em của chúng ta chia sẻ về những ước mơ rằng sau này chúng sẽ trở thành một ai đó. Bạn có để ý rằng khi nói về những ước mơ trong tương lai, những đứa trẻ luôn nói về nó với một niềm vui sướng, khát khao và đầy hy vọng. Chắc hẳn điều này gợi cho bạn nhớ về bản thân mình khi còn bé.  Chúng ta cũng từng có những ước mơ, khát khao và hy vọng nhưng dường như những điều đó đã bị dập tắt bởi chính bản thân mình. Nhiều người sợ vì ước mơ của mình khác mọi người, sợ bản thân sẽ không làm được, lo sợ vì mong ước của chúng ta không được gia đình hay bạn bè ủng hộ. Chính vì những âu lo ấy cũng như những suy nghĩ tiêu cực do chúng ta dựng nên đã ngăn cản chúng ta, thậm chí sau này ngay cả việc ước mơ chúng ta cũng không dám.

    Trong Tương Ưng Bộ Kinh I, Chương 3, Đức Phật đã dạy: “Có bốn loại tuổi trẻ mà không nên kinh thường, không nên miệt thị vì họ là trẻ. Thế nào là bốn? Đó chính là vị vương tử trẻ tuổi, một con rắn con, một ngọn lửa nhỏ và một vị Tỳ kheo trẻ tuổi. Bốn loại trẻ tuổi này không nên khinh thường, không nên miệt thị vì chúng là trẻ”. 

    Điều này chứng minh rằng Đức Phật cũng đã công nhận về khả năng và năng lực của người trẻ, rằng ước mơ là điểm xuất phát quan trọng hay là cơ sở để mỗi cá nhân vươn mình bay cao. Và không khi nào là quá muộn nếu chúng ta sống cho ước mơ. Hãy “học hỏi” từ những đứa trẻ, dám ước mơ, nghĩ khác đi và vượt khỏi những hạn hẹp của hoàn cảnh sống để thực hiện bằng được những khát vọng của mình.

    Qua bài viết 5 bài học bạn học được từ con trẻ có thể nói rằng, trẻ nhỏ là cả một thế giới để người lớn có thể học hỏi và nhắc nhở chúng ta rằng nếu suy nghĩ khác đi, hành động khác đi thì thế giới chúng ta cũng vì thế mà thay đổi, trở nên tốt đẹp hơn.
    Vương Khánh Trân

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều