Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Khác
    HomeNghiên Cứu15.000 nhà khoa học cảnh báo gì về biến đổi khí hậu?

    15.000 nhà khoa học cảnh báo gì về biến đổi khí hậu?

    Năm 2017, hơn 15.000 nhà khoa học từ 184 quốc gia đã kí tên vào cảnh báo tập thể gửi nhân loại về biến đổi khí hậu.

    Thông điệp chung các nhà khoa học gửi đến nhân loại là con người phải hành động ngay lập tức để đảo ngược tác động của biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và sự tuyệt chủng của các loài trước khi quá muộn.

    Cách đây 25 năm, tạp chí Bioscience đăng cảnh báo của giới khoa học gia về một thông điệp tương tự có tên: “Cảnh báo của các nhà khoa học thế giới đến nhân loại”. Người phát động chiến dịch này là William Ripple – giáo sư Trường Đại học Lâm nghiệp bang Oregon. Ông và sinh viên của mình đã rà soát lại các mối lo ngại đã nêu ra trong cảnh báo năm 1992 và thu thập dữ liệu toàn cầu để ghi nhận các xu hướng thay đổi trong 25 năm qua.

    Bài báo của ông nhằm nâng cao nhận thức về tính mong manh của trái đất và được tạp chí BioScience chấp nhận xuất bản. Sau đó, giáo sư Ripple nảy ra sáng kiến kêu gọi các nhà khoa học kí tên vào cảnh báo tập thể gửi nhân loại lần thứ hai trên tài khoản Twitter của mình.


    Một hậu quả của biến đổi khí hậu

    - Advertisement -

    Bài báo đã nêu ra những vấn đề môi trường cấp bách nhất trên thế giới, hầu hết đều diễn biến theo chiều hướng xấu thêm hơn kể từ năm 1992. Theo đó, các vấn đề môi trường đáng quan tâm bậc nhất là:

    1. Giảm lượng nước ngọt: Lượng nước sạch bình quân đầu người thấp hơn một nửa so với những năm 1960. Rất có thể biến đổi khí hậu sẽ có tác động lớn đến lượng của nước ngọt do làm thay đổi chu trình thủy văn và lượng nước sẵn có.

    2. Đánh bắt hải sản thiếu bền vững: Từ năm 1992, tổng sản lượng đánh bắt hải sản luôn đạt hoặc vượt quá sản sản lượng tối đa cho phép khai thác để duy trì sự bền vững của đại dượng. Tỷ lệ khai thác toàn cầu đã giảm, mặc dù nỗ lực đánh bắt đang gia tăng.

    3. Các vùng chết ở đại dương: Các vùng chết được tạo ra chủ yếu phân bón và nhiên liệu hóa thạch bị rửa trôi xuống biển. Những khu vực này giết chết một số lượng lớn các sinh vật biển do thiếu oxy trong nước và ảnh hưởng dây chuyền đến toàn bộ hệ sinh thái biển.

    Số lượng những vùng biển chết đã tăng lên đáng kể kể từ năm 1960 và và đến năm 2010 có hơn 600 hệ sinh thái biển bị đe dọa.

    4. Mất rừng: Rừng là nguồn dự trữ cacbon, đa dạng sinh học và nước ngọt cho thế giới. Từ năm 1990 đến 2015, diện tích rừng trên thế giới đã bị giảm từ 4.128 triệu ha xuống còn 3.999 triệu ha và tổng diện tích rừng bị mất 129 triệu ha gần tương đương với diện tích Nam Phi.

    5. Giảm đa dạng sinh học: Đa dạng sinh học của thế giới đang biến mất với tốc độ báo động và quần thể loài động vật có xương sống đang nhanh chóng suy giảm (WWF 2016). Nói chung, trên toàn cầu, số lượng cá, lưỡng cư, bò sát, chim chóc và động vật có vú đã giảm 58% trong giai đoạn 1970-2012.

    6. Biến đổi khí hậu: Lượng khí carbon dioxide thải ra từ các nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu tăng mạnh từ năm 1960. Tương ứng với mức nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu năm 1951-1980, phát thải CO2 cũng tăng lên nhanh chóng và được thể hiện bằng sự bất thường trong khí hậu. Kể từ năm 1998, thế giới ghi nhận liên tục 10 năm nóng nhất trong 136 năm.

    7. Tăng dân số: Từ 1992, dân số thế giới đã tăng khoảng 2 tỉ người (35%). Với con số này, dân số thế giới không thể ngừng tăng lên trong thế kỷ này và có khả năng sẽ tăng từ 7,2 triệu người hiện nay lên con số đâu đó nằm giữa 9,6-12,3 tỉ người vào năm 2100.

    Theo các nhà khoa học, các quốc gia và các tổ chức quốc tế cần có nhiều chính sách và chương trình thích hợp để giảm và chặn diễn biến cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với tương lai trực tiếp của trái đất.

    Theo báo cáo dựa trên kết quả khảo sát mới nhất của Viện Khí hậu mới và Tổ chức phi chính phủ Germanwatch công bố ngày 10.12.2018, Mỹ và Saudi Arabia hiện đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng Chỉ số cải thiện biến đổi khí hậu (CCPI) của 56 quốc gia trên thế giới vốn chiếm tới 90% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính – nguyên nhân khiến Trái đất ấm lên.

    Các nước đứng trong tốp cuối của bảng xếp hạng trên còn có Iran, Hàn Quốc, Úc, Canada, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản.


    Cảnh lũ lụt thường thấy tại Việt Nam

    Ngoài hạn hán, lũ lụt, triều cường, bão ngày càng mạnh… biến đổi khí hậu còn gây những hậu quả không ngờ như nguy cơ bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng hiệu năng của chính quyền…

    Quy tụ gần 500 đại biểu là lãnh đạo/cựu lãnh đạo của các quốc gia, các chính khách, lãnh đạo tập đoàn và các tổ chức quốc tế, các học giả và nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, Diễn đàn Hà Nội 2018 với tên gọi “Hướng đến Phát triển bền vững – Ứng phó Biến đổi khí hậu để đảm bảo Bền vững và An ninh” là nơi trao đổi học thuật và chính sách liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững.

    Tại Diễn đàn này, GS. Park Ryul Kyung – Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (Korean Advanced Institute of Sciences and Technology – KAIST) cho biết:

    “Tùy theo những điều kiện của từng khu vực khác nhau trên thế giới mà các nước sẽ chịu ảnh hưởng từ BĐKH khác nhau. Tôi thấy rằng các nước Đông Nam Á rất dễ tổn thương trước BĐKH và các thảm họa thiên nhiên. Diễn đàn Hà Nội chính là điểm khởi đầu tốt cho việc thảo luận trong khu vực ở cấp độ nghiên cứu và thực tiễn, và tiến tới là thảo luận ở cấp độ toàn cầu.

    Trong nghiên cứu của mình, tôi thấy việc chia sẻ thông tin giữa các đơn vị điều phối giữa các nước là chìa khóa để chống lại BĐKH. Các hệ thống chia sẻ thông tin bao gồm hỗ trợ thông tin, tạo ra nền tảng thông tin để chia sẻ trong các trường hợp khẩn cấp. Thông tin và dữ liệu rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về BĐKH.

    Chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng công nghệ vào chống biến đổi khí hậu như dùng dữ liệu mở, dữ liệu lớn, hay dữ liệu hình ảnh vệ tinh… vào việc dự đoán và chống BĐKH. Tuy nhiên, những công nghệ này không thể đơn độc trong cuộc chiến chống BĐKH mà cần có các yếu tố về văn hóa, chính sách và cần có cả thể chế để mọi người cùng chung tay hành động. Do vậy, bên cạnh tiến bộ khoa học công nghệ thì chúng ta cần có những cơ chế hoạt động bền vững để ứng phó với vấn đề này.

    Đến với Diễn đàn này, tôi được chứng kiến sự đam mê của những người tham dự và điều này có thể trở thành nền tảng cho sự hợp tác và trao đổi quốc tế. Đây là một bước tiền đề quan trọng để tiếp tục công cuộc ứng phó với BĐKH trong tương lai”.

    Cuối 2017, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã công bố kết quả nghiên cứu mới cảnh báo năm 2017, phát thải khí CO2 toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch và công nghiệp sẽ tăng trở lại ở mức 2%. Theo đó năm 2017, lượng khí thải CO2 toàn cầu lên đến 41 tỉ tấn, tăng khoảng 4 tỉ tấn so với giai đoạn 2014-2016.

    Giáo sư Corinne Le Quéré – trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Đông Anglia, Anh và là giám đốc trung tâm nghiên cứu Tyndall về Biến đổi khí hậu, cho biết các nhà máy điện than tại Trung Quốc đã đóng góp lớn vào sự gia tăng này, ngoài ra còn có Ấn Độ – quốc gia có mức phát thải carbon tăng khoảng 6% mỗi năm. Tại Mỹ và các nước châu Âu, mức giảm phát thải cũng không đạt tốc độ kì vọng.

    Phát biểu trong một hội thảo về chống biến đổi khí hậu, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Biến đổi khí hậu không phải là mối quan tâm của chỉ một hoặc hai quốc gia. Đó là một vấn đề ảnh hưởng đến tất cả nhân loại và mọi sinh vật trên trái đất này. Nơi tuyệt đẹp này là ngôi nhà duy nhất của chúng ta. Chúng ta phải hành động nghiêm túc ngay bây giờ để bảo vệ môi trường của chúng ta và tìm ra các giải pháp xây dựng đối với việc nóng lên toàn cầu”.

    Chúng ta đang phải đối diện với một sự thật thảm khốc, hành tinh đang nóng lên, cuộc sống bị đe dọa và mất mát. Hệ sinh thái bị hủy hoại. Đây là cách biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Trước sự tàn phá khủng khiếp này, các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu và tìm ra các giải pháp để đối phó với những thảm họa thiên nhiên reo rắc nỗi tuyệt vọng, sợ hãi về tương lai, khiến con người chìm trong nỗi đau buồn và hoảng loạn. Khi chúng ta đang vật lộn với cuộc sống thì việc thực hành chiêm niệm có thể đưa ra các kỹ thuật để làm sáng tỏ những chân lý đầy thách thức này.

    Những hành động tâm linh không phải là sự lựa chọn thay thế cho những hành động nhanh nhẹn, trí tuệ. Đó là những nguyên tắc bổ sung cho giáo dục và hoạt động. Nguồn lực tinh thần có thể giúp chúng ta đi từ sự liều lĩnh đến việc thực hiện các hoạt động bền vững (còn tiếp).

    Thiện Ngôn

     

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều